UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành Kế hoạch số 4900/KH-UBND ngày 30/10/2024 về Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên năm 2025.
Theo đó, trong năm 2024, việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện và được sự hưởng ứng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Thông qua công tác triển khai các đề án, dự án, kế hoạch về chuyển đổi số, kết hợp với việc thực thi các giải pháp về xây dựng môi trường chính sách, đảm bảo đủ nguồn nhân lực, tổ chức triển khai, đào tạo, tuyên truyền phổ biến,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hiệu quả công tác quản lý Nhà nước được nâng cao; Môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng hiện đại; Năng suất, chất lượng giải quyết TTHC được cải thiện; Mức độ hài lòng của người dân ngày một tăng cao.... Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh được xây dựng phù hợp với bối cảnh phát triển của tỉnh và định hưởng phát triển Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và đạt được một số kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu theo yêu cầu tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số của tỉnh..
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế:
- Hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng bộ, một số khu vực không có điện lưới quốc gia, chưa có dịch vụ viễn thông, Internet.
- Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông còn thấp.
- Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, tỷ lệ người dân có thiết bị thông minh còn thấp, tỷ lệ hộ gia đình kết nối Internet hạn chế, tỷ lệ thiết bị bảo đảm kết nối, sử dụng các nền tảng số còn thấp;...
Năm 2025, tỉnh tập trung đẩy mạnh các mục tiêu phát triển, đặc biệt là Nhóm chỉ tiêu về Xã hội số, cụ thể:
- Tỷ lệ dân số trưởng thành được cấp chứng thư chữ ký số, chứng thư chữ ký điện tử đạt 35%.
- Tỷ lệ triển khai học bạ số đối với học sinh họcChương trình Giáo dục phổ thông, học viên học Chương trình Giáo dục thườngxuyên và bảng điểm số đối với sinh viên đạt tỷ lệ 100%.
- Tỷ lệ các cơ sở giáo dục công lập triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 100%.
- Triển khai thí điểm Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng
dụng VNeID để áp dụng cho người bệnh, sử dụng tại tất cả các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân và các nhu cầu khác của người dân phù
hợp với các quy định của pháp luật đạt 100%.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, Kế hoạch đã tập trung vào 4 nhóm giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền, phát triển nguồn nhân lực đến tăng cường hợp tác với các tổ chức số, đồng thời xác định các nhiệm vụ cụ thể, phân công tổ chức thực hiện.