SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
TỈNH ĐIỆN BIÊN

CỔNG THÔNG TIN HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Điện Biên chấp thuận chủ trương đầu tư trong 5 bước, 35 ngày và 0 đồng lệ phí

Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cam kết tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả tại Hội thảo quốc tế xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch VACOD - Điện Biên 2024 Tăng cường kết nối - Hướng tới tương lai.

Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Điện Biên gồm 5 bước, thời gian giải quyết 35 ngày và 0 đồng lệ phí.

Toàn bộ thông tin gồm các bước thủ tục, thành phần hồ sơ, thông tin liên hệ chính thức được UBND tỉnh Điện Biên công khai tại Hội thảo quốc tế xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch VACOD – Điện Biên 2024 Tăng cường kết nối – Hướng tới tương lai.

Tại sự kiện, hơn 400 đại biểu, trong đó 200 doanh nghiệp đang hoạt dộng tại Điện Biên, 200 doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội – HBA đang hoạt động trên cả nước tham dự.

“Để phát huy tiềm lực của cộng đồng doanh nghiệp, Điện Biên đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cam kết "đồng hành - gắn bó - chia sẻ" cùng cộng đồng doanh nghiệp. Với phương châm: "Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến doanh nghiệp" tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật để các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát, thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh phát triển, bền vững”, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định tại Hội nghị.

Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh: Tỉnh Điện Biên cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng, biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực…”.

Đây là các thông tin các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang quan tâm tới Điện Biên đặc biệt quan tâm.

Trong sự kiện, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD đã nhắc đến các “kho báu” nơi đại ngàn Tây Bắc. Điện Biên không chỉ sở hữu những tiềm năng sẵn có như: tài nguyên rừng và đất rừng, khoáng sản, thủy điện, du lịch...  mà còn có cửa khẩu quốc tế Tây Trang với khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư cùng một số cửa khẩu khác với Lào, lối mở A Pa Chải kết nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Các cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế, du lịch và dịch vụ được nối dài.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào địa phương duy nhất trong các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc có cảng hàng không được đưa vào khai thác thương mại. “Đây được xem là mắt xích quan trọng trên bản đồ thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước cho cả vùng Tây Bắc”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Điện Biên còn nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao thông còn thiếu thốn, hệ thống lưới điện cùng chưa hoàn chỉnh gây khó khăn đến việc phát triển ngành sản xuất năng lượng. Việc tiếp cận nguồn vốn tại địa phương cũng chưa cao, nhiều dự án còn gặp tình trạng thiếu vốn thực hiện...

“Điện Biên còn nhiều khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư”, ông Phạm Đức Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thẳng thắn thừa nhận khi trao đổi với các doanh nghiệp về những rào cản khiến Điện Biên chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế  phát triển.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đồng thuận với sự lựa chọn “đồng hành cùng doanh nghiệp; đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch” của lãnh đạo tỉnh. Ông đề nghị tỉnh Điện Biên tập trung tháo gỡ khó khăn; cắt giảm các thủ tục hành chính; đề xuất các cơ chế chính sách pháp lý đơn giản hơn...

Để thực hiện hóa những mục tiêu đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng tỉnh cần tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: Kết nối và phát huy lợi thế trong tỉnh, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển ngành năng lượng; kết nối các vùng kinh tế của tỉnh với các tuyến giao thông.

Cùng với đó, Điện Biên cũng cần tích cực chuyển dịch mô hình kinh tế trên nền tảng tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, chuyển đổi số trong thương mại, quảng bá du lịch, phát huy đưa Điện Biên trở thành trung tâm văn hóa, lịch sử… trong tiểu vùng Tây Bắc.

Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và đề xuất theo từng lĩnh vực; từ đó tỉnh sẽ có hướng dẫn, hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án trong các lĩnh vực khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ và nông nghiệp với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 2,2 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Điện Biên có tổng số 215 dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 50 nghìn tỷ đồng. Trong đó 125 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 13,5 nghìn tỷ đồng; có 90 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn đăng ký trên 37 nghìn tỷ đồng.