Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - trao đổi chuyên đề “Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số” tới cán bộ công đoàn chủ chốt. Ảnh: Hà Anh
Tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp trao đổi chuyên đề tới hơn 100 cán bộ công đoàn chủ chốt là Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và trưởng các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN...
Chuyên đề do Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày là một trong 15 chuyên đề trong Chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng dành cho cán bộ công đoàn chủ chốt cấp tỉnh, thành, ngành Trung ương và trưởng các ban, đơn vị do Tổng LĐLĐVN tổ chức.
Tại buổi trao đổi chuyên đề, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày các nội dung: “Khác nhau triết lý Đông và Tây”; “Học hỏi và học hành thời chuyển đổi số”; “Quản lý và lãnh đạo là một cặp”, “Nhà quản lý trở thành nhà lãnh đạo”, “Đảng ta nói về lãnh đạo”, “Lãnh đạo thời chuyển đổi số: Chuyển từ tư duy ứng dụng công nghệ thông tin sang tư duy chuyển đổi số”, “Định nghĩa lại lãnh đạo thời chuyển đổi số”, “Chuyển đổi số quốc gia”…
Các cán bộ công đoàn chủ chốt tham dự chương trình. Ảnh: Ngọc Tú
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 4 đặc tính cần có của lãnh đạo thời chuyển đổi số là: Khiêm tốn, học hỏi; thích ứng; có tầm nhìn xa và tương tác.
Trong đó, “khiêm tốn học hỏi” bắt nguồn từ ý thức. Khi mọi thứ thay đổi nhanh thì không ai có thể biết mọi thứ; biết những cái mình không biết thì cũng quan trọng như biết những cái mình biết; người lãnh đạo phải chấp nhận rằng, những người khác biết nhiều hơn mình; người lãnh đạo phải bỏ được cá tính mạnh mẽ của mình để tôn trọng, lắng nghe các ý tưởng, ý kiến khác; người lãnh đạo phải có khả năng tiếp nhận ý kiến phản hồi; nhà lãnh đạo chuyển từ một nhà chuyên gia thành một người hỗ trợ…
“Thích ứng” là tập trung vào ngắn hạn. Loài tồn tại không phải khoẻ nhất hay thông minh nhất mà là loài thích ứng nhất; thay đổi diễn ra liên tục thì nhận thức cũng phải thay đổi theo; nhà lãnh đạo phải thích ứng được với việc giải quyết những vấn đề mới, phức tạp, và sẵn sàng thay đổi nhận thức; nhà lãnh đạo vẫn phải lập kế hoạch nhưng cũng phải sẵn sàng đánh giá lại các kế hoạch của mình khi có những diễn biến mới.
“Có tầm nhìn xa” là tập trung vào dài hạn. Mặc dù rất nhiều thứ không rõ ràng trong ngắn hạn, nhưng nhà lãnh đạo vẫn phải có một tầm nhìn xa một cách rõ ràng. Mọi thứ càng thay đổi nhanh, công nghệ mới, mô hình mới càng mang tính phá hủy thì càng phải xác định tầm nhìn và kiên định với nó. Xác định tầm nhìn và trung thành với nó ngay cả khi chưa biết cách nào để đạt được nó. Thích ứng với những thay đổi ngắn hạn, nhưng kiên định tầm nhìn dài hạn. Một tầm nhìn rõ ràng thì còn quan trọng hơn một kế hoạch chi tiết. Vì kế hoạch chi tiết này có thể bị thay đổi ngay vào ngày mai.
“Tương tác” là yếu tố cảm xúc. Người lãnh đạo trong một môi trường thay đổi nhanh phải là một người luôn biết lắng nghe và biết truyền đạt; mong muốn, sẵn sàng lắng nghe, tương tác và thông tin với những người liên quan. Luôn tò mò, quan tâm và tìm hiểu cái mới; phần lớn thời gian của nhà lãnh đạo là tương tác với thế giới bên ngoài, có thể là trực tiếp, có thể là online; chia sẻ thông tin, tri thức của mình với mọi người…